Mô tả
Thông tin chi tiết về Combo thơ văn: Trên Ngọn Tình Sầu, Ký Thác, Thương Hoài Người Dưng
Tác giả | Nhiều Tác Giả, Bình Nguyên Lộc, Du Tử Lê |
Loại bìa | Bìa mềm |
SKU | 9479797500849 |
3 tác giả, 3 nét văn chương khác nhau nhưng điểm chung giữa họ là bút pháp tinh xảo và văn phong ý nhị của một thời…
Mời bạn đọc thưởng lãm không chỉ là thơ văn mà còn là phong vị của những vùng đất, thông qua ý thơ, tứ văn của những tác giả đã trải nghiệm đời mình với sương gió quê hương.
Trên Ngọn Tình Sầu
Với thơ tiếng Việt, Du Tử Lê là một tên tuổi, một thương hiệu được bảo chứng và được yêu mến rộng rãi. Điều này có thể do thơ ông có nhiều bài được phổ nhạc thành công. Âm nhạc đã góp một phần bảo toàn thơ Du Tử Lê trong vùng ký ức nhiều thế hệ. Nhưng nếu không có đôi cánh của âm nhạc thì sao?
Không có đôi cánh của âm nhạc thì thơ Du Tử Lê vẫn bay trên những đường chân trời, bay trên những vực tình và bay trên những năm tháng đời người.
Đấy gần như là điều chắc chắn. Bởi Du Tử Lê là một-người-thơ, một giọng tình thăm thẳm nhưng khuất lặng, hay một người viết ngụ ngôn tình nơi biển đời vang động.
Thơ Du Tử Lê là sự kết hợp giữa tính tự sự và chất trữ tình. Nói một cách nào đó, thơ Du Tử Lê là một giọng tình bay trên những đỉnh sầu của đời người.
“…tôi èo uột từ những ngày cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát con sóng tình vỗ mãi một âm quên.”
Ký Thác
Ký Thác là tập truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, có thể nói Ký thác là một tập sách mà truyện nào cũng ý vị và trao chuốt công phu. Tất cả những truyện trong tác phẩm đều là những chuyện có nghĩa lý cùng cách hành văn vừa kỹ lưỡng, vừa phóng túng. Cách kể tự nhiên như giọng của một người trải đời, trải việc, không làm bộ làm điệu mà có duyên ngấm ngầm. Nhưng sâu thẳm hơn, đó là tấm lòng, là sự thôi thúc của người cầm bút. Như tác giả ý tứ trao gửi thông điệp qua truyện ngắn Lầu 3 phòng 7: “Viết văn chỉ là một thứ kỹ thuật tương đối dễ học. Nhưng muốn sáng tác, em cần phải có cái gì trong lòng, để mà nói ra, bằng không thì giã từ văn chương vậy. Lắm khi đã có cái ấy trong lòng rồi mà nó không cắn rứt mình, không kêu gào đòi chun ra lắm, thì cũng không thể sáng tác được. Em có cái gì trong bụng không?”
Những ghi chú về thời gian cho thấy, hầu hết những truyện ngắn trong tập sách này được viết từ sau năm 1954, tức sau Hiệp định Genève. Đây là khoảng thời gian có những nhạy cảm nhất định về chính trị. Sự xáo trộn trong đời sống thị dân, đặc biệt là ở những đô thị lớn như Sài Gòn, vừa là đề tài, vừa là sự thôi thúc cho một văn tài nặng nợ với quê hương như Bình Nguyên Lộc.
Ký thác chắc chắn là cuốn sách bạn nên đọc nếu bạn là một người yêu văn chương, yêu cái phong vị một thời quá khứ đã xưa đầy hoài niệm.
Thương Hoài Người Dưng
“Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương” Câu ca dao đã thuộc nằm lòng từ hồi học Cổ Văn ở cấp hai đã làm cho tôi mê cái “đem lòng” của thi sĩ ruộng đồng vô danh nào đó, đã làm giàu có thêm cho kho tàng thơ dân gian Việt Nam. Cái ”đem lòng” dung dị mà làm nổi trội cho cả câu, đó là chức năng và quyền lực của con chữ! Là nỗi thống khoái của tác giả khi viết lên được những điều thiên hạ đồng cảm mà không viết được. Có khi để đạt được phút thăng hoa này, tác giả đã trải qua nỗi thống khổ vì đã đem lòng nhớ nhớ thương thương.
Hầu hết toàn tập đều là thơ tình, nằm trong khuôn khổ lục bát và thơ năm chữ, bảy hoặc tám chữ. Trong cái vòng cổ kính khó thoát hình hài ra được, tôi đã tung tuẩy hồn tôi theo từng đợt cảm xúc là sóng ngầm hoặc rong rêu trầm tích đâu tự ngàn xưa.
Tôi tô màu nắng hoa lên nhan sắc người dưng của tôi với đường nét trang điểm mới của riêng tôi, chứ không phải dựa vào nét vẽ thiên tài của vài nhà thơ tôi đang còn ngưỡng mộ.
Bái phục nhưng không khuất phục, có ngày nào đó những thiên tài này sẽ trở thành bình thường đối với chúng ta, đây là điều tôi muốn gửi đến lớp tác giả trẻ đang làm thơ, không ngừng tìm tòi học hỏi để đem niềm say mê sáng tạo của mình, làm giàu thêm cho lâu đài văn chương nước nhà trong mai hậu
Thiên tài thơ Bùi Giáng khi còn là giáo sư dạy Quốc Văn, trong giờ dạy, ông đã khóc ồ lên khi giảng truyện thơ Kiều. Tôi tự nhận là đệ tử thì chắc cảm xúc của tôi cũng bằng nửa của thầy Bùi Giáng. Có mấy lần, khi viết xong mấy bài trong tập Thương Hoài Người Dưng này xong, tôi thấy mắt tôi nhỏ ra mấy giọt nước mắt…
Hầu hết toàn tập đều viết xa xa gần gần cho người dưng. Chỉ là người dưng nước lã thôi mà tự cổ chí kim, đã tốn không biết bao giấy mực của thi nhân. Xin bạn đừng tự hỏi người dưng trong tập thơ là ai mà TĐT tụng ca hết cở thợ mộc, mà xin hãy bỏ thời gian, đọc lại thêm một lần nữa, có thể nhận ra người dưng của tôi giống như người dưng của bạn thôi, có mặt khắp nơi trên cõi đời này.
TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
Đánh giá
Clear filtersChưa có đánh giá nào.