Description
Thông tin chi tiết về Lucky Luke 6 – “Siêu Báo” Daily Star
Công ty phát hành | First News – Trí Việt |
Tác giả | Goscinny, Morris |
Ngày xuất bản | 04-2011 |
Kích thước | 20.5 x 28.5 cm |
Nhà xuất bản | Nhà Xuất Bản Trẻ |
Dịch Giả | Thu Huyền |
Số trang | 48 |
SKU | 2521976249234 |
Daily Star: Một câu chuyện hay về nghề báo
Dù là Daily Star, tờ báo muôn hình, hay “Siêu báo” Daily Star, các tựa tiếng Việt đều hướng tới nét độc đáo của một album Lucky Luke dành hẳn cho nghề báo.
NÓI CHUYỆN NGHỀ BÁO, NHỚ GOSCINNY…
Bảy năm sau khi tác giả Goscinny qua đời năm 1977, hai ông Xavier Fauche và Jean Léturgie đã cùng viết nên một kịch bản xuất sắc chẳng kém các truyện Lucky Luke mang chữ ký Goscinny: tập Le Daily Star, ra đời năm 1984.
Những nguyên tắc xây dựng kịch bản của ông Goscinny (tra cứu sâu và vận dụng thông minh tư liệu lịch sử Hoa Kỳ và miền Viễn Tây, nhân vật hư cấu thú vị từ nguyên mẫu có thật trong lịch sử, cốt chuyện mạch lạc và lôi cuốn, nhiều tính tiết và lời thoại hóm hỉnh,…) lại một lần nữa xuất hiện nơi kịch bản của Fauche và Léturgie.
Khi còn sống, tác giả Goscinny đã không ít lần đề cập tới vai trò của báo chí trong truyện Lucky Luke, như ở tập Billy The Kid, song rõ ràng ông chưa từng dành cả một album cho nghề báo, như Fauche và Léturgie đã mạnh dạn làm, và đã rất thành công với Daily Star.
Kể cũng lạ, song càng đáng khen, vì nếu so “bề dầy và đẳng cấp” trong nghề báo thì Fauche và Léturgie chẳng thể sánh bắng ông chủ bút Goscinny từng tạo nên cả một toà soạn tạp chí truyện tranh Pilote, với đủ các ngón nghề cách tân, táo bạo so với những tờ “truyền thống” như Spirou, Tintin,…
Chợt nhớ chương Chúng tôi ra một tờ báo, trong Le petit Nicolas (Nhóc Nicolas, tập Giờ ra chơi của nhóc Nicolas, bản quyền tiếng Việt của Nhã Nam) của bậc thầy Goscinny. Chuyện kể về cuộc tranh cãi, và cả… tranh giành, của nhóc Nicolas và đám bạn về chuyện làm một tờ báo, khi một hôm thằng Maixent đem vô lớp bộ đồ in. Tranh cãi từ việc đặt tên cho tờ báo, cho tới chuyện in gì ở trong báo, báo in ra rồi thì phải làm gì, bán cho ai, ai là người bán, rồi ai là chủ nhiệm, rồi thì… các nhóc đánh nhau, “bộ đồ in rơi tung toé hết ra đất”, rồi thầy Nước Lèo tịch thu bộ đồ in.
Chương này kết thúc với đoạn: “… Còn tờ báo thì chúng tôi chẳng ra được. Thầy Nước Lèo không muốn trả lại cho chúng tôi bô đồ in trước kỳ nghỉ hè. Xời! Đằng nào thì chúng tôi cũng chẳng có gì để mà kể trên báo cả. Chỗ chúng tôi chẳng bao giờ xảy ra chuyện gì.”
Với bốn tranh minh hoạ của Sempé, chín trang chuyện trên của ông Goscinny thật ra đã lồng hết những vấn đề căn bản của nghề báo vô những câu chuyện trẻ con dễ thương, bên trong cái vỏ ngoài ngây ngô là cả những bí quyết làm báo. Và hẳn các bạn đã nhận ra: khi nhóc Nicolas kết luận rằng “chẳng có gì để mà kể trên báo”, và “chỗ chúng tôi chẳng bao giờ xảy ra chuyện gì” thì người lớn, dù chẳng là nhà báo, đều nghĩ ngược lại với nhóc ta!
Đó chính là bàn tay của bậc thầy: Nói về nghề báo qua câu chuyện của bọn nhóc. Tưng tửng theo cách kể chuyện của một đứa trẻ con (“nghĩa là không phải bắt chước trẻ con” – lời Goscinny) để bạn đọc trẻ con và cả người lớn tự rút ra những kết luận, và “bài học”, có thể ngược hẳn với lời kể của nhóc Nicolas. Dụng ý nằm ở đó, nghệ thuật và cái hóm hỉnh, sâu sắc cũng nằm ở đó, khác hẳn phong cách “luân lý giáo khoa thư” ở ta!
Nguyên tác Giờ ra chơi của nhóc Nicolas (Les récrés du petit Nicolas) ra đời năm 1961. Liệu hai ông Fauche và Léturgie có tìm cảm hứng, và cả cách kể chuyện về nghề báo, từ chương này của Goscinny để vận dụng vô tập Daily Star (phát hành năm 1984)?
Có một “dấu vết” khá rõ trong Daily Star, ở trang 11, khi các tác giả cho anh chàng Horace Greely ngây ngô đi rao báo với những đề tài lạ hoác, thậm chí còn ngược lại hẳn với sự quan tâm của từng nhóm người ở Dead End City. Vì vậy, ở khung tranh áp chót của trang này, các tác giả đã cho Lucky Luke khuyên chàng Greely: “Anh phải nói tới những gì khiến mọi người phải quan tâm.” Đoạn này gần như “đi song đôi” với những tranh cãi của bọn nhóc về chuyện in gì ở trong báo, và bán báo cho ai, trong tập Nhóc Nicolas vừa nhắc tới.
VÌ SAO LÀ “SIÊU BÁO”?
Dễ nhận ra trước hết trong tập Daily Star là những yếu tố sống chết của báo in, thông qua mô-típ lặp đi lặp lại (như ở truyện cổ tích, từ “Nói đến báo là nói đến giấy, mà hễ không có giấy tức là không có báo”, rồi… đến mực in…) để giúp bạn đọc, nhất là… trẻ em, hiểu được cái cốt lõi của nghề này một cách nhẹ nhàng, đầy lôi cuốn:
– Làm báo in, phải cần giấy, cần mực in, cần người phát hành (và hệ thống phát hành, gồm cả loại hình nhận đặt báo dài hạn, phát tận nhà), cần cả sự đúng hẹn (lịch ra báo), để giữ đúng cam kết về tôn chỉ của tờ báo, và cam kết với bạn đọc;
– Phát triển nhờ bám sát nhu cầu thật của những người đọc cụ thể;
– Làm báo thì cần nói thẳng sự thật, và chấp nhận cạnh tranh báo chí, kể cả chống loại báo lá cải (và vì vậy cũng cần.có sự hỗ trợ từ pháp lý, hay công lý, như vai trò “bảo hộ” của… Lucky Luke);
Đặc biệt, bây giờ đọc lại cái tình huống Greely quá hồn nhiên khi tường thuật cả kế hoạch sắp tấn công của Lucky Luke, do các tác giả khéo bịa ra hồi năm 1984 mà… giật mình. Bởi gần đây, vào tháng 8/2010, cuộc giải cứu con tin của Cảnh sát Quốc gia Philippines đã thất bại nặng nề vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cái nguyên nhân có thể gọi tên là… “sự hồn nhiên Greely”. (Mời bạn xem thêm: Vụ giải cứu con tin đẫm máu ở Philippines: Lỗi do truyền hình trực tiếp, đăng trên Thể Thao & Văn Hoá, ngày 25/8/2010.}
Ông Benigno Aquino III, tổng thống Philippines, khẳng định một trong những khiếm khuyết lớn là vụ bắt cóc đã được báo chí tường thuật trực tiếp. Trên chiếc xe buýt giam giữ con tin có tivi, nên kẻ bắt cóc đã có thể xem toàn bộ những gì diễn ra xung quanh, cũng như động thái của cảnh sát, để có kế hoạch đối phó thích hợp! (Cũng như bọn xấu trong Daily Star đã dựa vào sự “mẫn cán thái quá”, song ngây thơ về hậu quả tuyên truyền của Greely để phục kích Lucky Luke, khiến chàng suýt toi mạng, do kế hoạch tấn công đã được báo Daily Star công bố trước!)
Tuy vậy, cái hay nhất ở tập Daily Star chính là… những tình huống siêu tưởng (mà rất gần sự thật) về sự biến hoá của tờ Daily Star. Do những “kiếp nạn” của chàng nhà báo Greely mà Daily Star đã từ báo in chuyển sang in trên mọi thứ có thể in được, rồi chuyển thành báo nói, rồi báo nói đến tận nhà, nói theo nhu cầu (một kiểu “voice on demand”, dù chưa thể có… “video on demand”). Vì vậy, gọi Daily Star là “siêu báo” thật chẳng sai!
Việc bịa ra những tình huống siêu tưởng cỡ như vậy để gán vào khung cảnh làm một tờ báo in hồi thế kỷ XIX ở miền Viễn Tây quả thật đã đem lại cho bạn đọc nhiều bất ngờ. Bất ngờ về “siêu báo”, từ một…. “siêu” kịch bản về nghề báo, kể qua truyện tranh cao bồi Lucky Luke!
Reviews
Clear filtersThere are no reviews yet.